Huyện Thủy Nguyên: GPMB dự án Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng
Huyện Thủy Nguyên: GPMB dự án Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng
Huyện Thủy Nguyên xác định giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng là một trong nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên thực hiện trên địa bàn. Bởi thế, ngay từ những ngày đầu năm 2013, trên cơ sở hỗ trợ của các ngành chức năng thành phố, huyện huy động hệ thống chính trị vào cuộc giải quyết vướng mắc, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ GPMB phục vụ dự án.
Tập trung giải quyết các vướng mắc
Theo báo cáo của UBND huyện Thủy Nguyên, tính đến thời điểm này huyện đã GPMB và tạm bàn giao cho chủ đầu tư thi công thực hiện dự án với diện tích 332/352,7ha trên địa bàn các xã Thủy Sơn, Dương Quan, Tân Dương, Thủy Triều, Lập Lễ, Trung Hà, An Lư và Thủy Đường. Huyện cũng hoàn thành GPMB xây dựng nhà máy cấp nước ở xã Ngũ Lão bàn giao cho đơn vị thi công thực hiện dự án. Đồng thời, tiến hành xây dựng xong và giao đất cho công dân làm nhà ở ở các khu tái định cư 1,2 thôn Bấc Vang (xã Dương Quan); tiếp tục khu tái định cư tại các xã An Lư, Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Đường.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nguyễn Văn Viển, công tác GPMB phục vụ dự án đang gặp một số vướng mắc, tồn tại. Ví dụ như tại các khu vực đã có các nhà đầu tư còn một số hộ dân chưa nhận tiền bồi thường GPMB hoặc đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng cho dự án; việc giải quyết 5000m2 đất kẹt thuộc xã Dương Quan; đất kẹt giữa nghiã trang Tân Dương với đường Máng Nước; phương án áp dụng giá đất ở đề bồi thường tại xã Thủy Sơn chưa thống nhất; quy hoạch các Khu đất kinh doanh phi nông nghiệp, đất tái định cư và nghĩa trang tại các xã chưa hoàn thiện...Do đó, để bảo đảm tiến độ dự án, huyện xác định tập trung giải quyết các vướng mắc, nhất là các vướng mắc liên quan đến các hộ dân chưa nhận tiền bồi thường GPMB và chưa bàn giao mặt bằng cho dự án. Hiện, tại khu vực Nhà máy thiết bị y tế Pharma còn 3 hộ ở thôn Cây Đa (xã An Lư) chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ; khu vực Nhà máy Zeon Việt Nam còn 4 hộ thuộc xã An Lư chưa nhận tiền và 7 hộ đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng; khu vực Nhà máy Kein Hing Industrial còn 2 hộ nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng...

|
Do làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, nhiều nhà máy đầu tư vào khu công nghiệp VSIP.
|
Bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân
Để giải quyết các vướng mắc liên quan đến người dân, theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Thủy Nguyên, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân là nguyên tắc được huyện ưu tiên áp dụng. Bởi, đây là một dự án lớn của thành phố, tổng diện tích thu hồi lên tới 1600ha, liên quan đến hàng nghìn hộ dân ở địa bàn 6 xã của huyện. Nhiều hộ mất 100% diện tích đất sản xuất. Chính vì thế, thời gian qua, huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để vận động, thuyết phục các hộ dân nhận tiền, bàn giao mặt bằng phục vụ dự án. Nếu trong quá trình GPMB, quyền lợi của người dân chưa được bảo đảm, dẫn đến những vướng mắc, huyện kịp thời có văn bản đề nghị UBND thành phố xem xét, giúp đỡ, giải quyết để công tác GPMB đạt hiệu quả tốt nhất mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Nhờ đó, nhiều “ca” khó đã được giải quyết. Như việc UBND huyện đề xuất và được thành phố cho phép áp dụng khoản 4 điều 4 Nghị định 17 và điều 48 Nghị định 84 của Chính phủ về việc giao đất sản xuất, kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp với hạng mức 50-60m2 cho các hộ mất trên 30% diện tích đất nông nghiệp. Hay như việc GPMB phục vụ thi công Nhà máy dược phẩm và thiết bị y tế Pharma; nhà máy phô-tô và máy in Kyocera Mita (giai đoạn 2) tại xã An Lư. Tại khu vực này còn 9 hộ chưa nhận tiền bồi thường GPMB hoặc đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng vì lý do bồi thường, hỗ tợ chưa thỏa đáng. Theo đúng quy định của pháp luật, 9 hộ này sẽ bị cưỡng chế. Song, để bảo đảm quyền lợi cho các hộ dân, huyện huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị tham gia vận động các gia đình. Cuối năm 2012, có 3/9 hộ nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng sạch. Đó là các hộ ông Bùi Văn Hạnh (thôn Cây Đa, An Lư), Trần Văn Tiến (thôn An Hòa), Trần Văn Mở (thôn An Hòa). Hay như trường hợp gia đình ông Trần Văn Gém ở xã An Lư. Gia đình ông Gém hiện đang sử dụng 2.148 m2, trong đó, có 600 m2 là đất thuộc diện 03, còn lại là đất do gia đình dồn đổi. Gia đình đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ tài sản và hoa màu trên đất nhưng chưa bàn giao mặt bằng. Dù địa phương xem xét giải quyết hết quyền lợi theo quy định pháp luật cho gia đình và tổ chức đối thoại giải quyết kiến nghị nhưng gia đình ông Gém không bàn giao mặt bằng vì lý do bồi thường, hỗ trợ chưa thỏa đáng. Xét hoàn cảnh của gia đình ông Gém, ngoài nơi ở trên, không còn diện tích đất ở nào khác, trong tháng 3-2013, lãnh đạo huyện vận động gia đình nhận 100 m2 đất tái định cư và dọn đến ở nhà tạm lánh của dự án, sau khi xây dựng xong nhà thì di chuyển. Lãnh đạo huyện cam kết vận động các cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ thêm gia đình ông khoảng 150 triệu đồng ngoài các chính sách chung để góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình. Sau 2 ngày, gia đình ông Gém tự tháo dỡ công trình và bàn giao mặt bằng cho dự án./.
(Theo Báo Hải Phòng)