Đẩy nhanh GPMB khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ Vsip Hải Phòng: Thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia
Đẩy nhanh GPMB khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ Vsip Hải Phòng: Thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia
Năm 2012, Khu công nghiệp Vsip Hải Phòng đạt tổng vốn đầu tư vào dự án 766 triệu USD (cam kết thu hút 500 triệu USD); thu hút 7 nhà đầu tư FDI (gồm các tập đoàn nổi tiếng như Fuji Xerox, Nipro, Zeon...) với tổng vốn đầu tư 426,2 triệu USD. Rất nhiều tập đoàn xuyên quốc gia quy mô lớn có mặt tại Singapore và các doanh nghiệp công nghệ cao của Nhật Bản đang được Vsip thuyết phục đầu tư vào Hải Phòng. Mục tiêu của Vship là có mặt bằng sạch, thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia.

Triển vọng thu hút đầu tư
Năm 2012, khu công nghiệp Vsip Hải Phòng triển khai đúng tiến độ một số hạng mục như: xây dựng Trạm biến áp 110 KV Bắc sông Cấm và chính thức đóng điện cho các nhà đầu tư từ 19-8-2012; nhà máy cấp nước (giai đoạn I) công suất 5.000m3/ngày bắt đầu cấp nước sạch cho các nhà đầu tư từ tháng 10-2012; xây dựng xong nhà máy Kyocera Việt Nam, nhà máy Zeon Việt Nam; sắp hoàn thành xây dựng nhà máy Nipro Pharma, nhà máy Fuji Xerox...; hoàn thành 40% san lấp mặt bằng và 42% xây dựng hệ thống đường giao thông nội bộ, hạ tầng kỹ thuật trên diện tích 468,8ha đất được nhận bàn giao.
Theo chủ đầu tư, những vướng mắc trong GPMB đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ san lấp mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật của dự án. Đó là việc xây dựng tuyến đại lộ Đông - Tây bị chậm bởi 3 khu vực tại các xã Thuỷ Sơn (8/17 hộ chưa nhận tiền đền bù), Dương Quan (23/101 hộ) và Lập Lễ (11 hộ)...
Năm 2013, Vsip Hải Phòng cam kết mời gọi thành công 2 nhà đầu tư lớn có thương hiệu nổi tiếng; hoàn thành 80% hệ thống đường chính và hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi 468,8ha; ưu tiên hoàn tất tuyến đại lộ Đông - Tây. Hiện Vsip còn 1,39ha đất công nghiệp sạch sẵn sàng cho các nhà đầu tư mới.

Khởi công xây dựng nhà máy Photocopy Fuji xerox
Để hoàn thành mục tiêu này, bên cạnh việc giải quyết vướng mắc trong GPMB giai đoạn hiện nay của dự án (468,8ha), Vship rất cần thành phố hỗ trợ điều chỉnh quy hoạch để có thêm khoảng 66ha đất công nghiệp sạch mời gọi các nhà đầu tư mới (tiềm năng thu hút vốn FDI khoảng 600 triệu USD, tương đương 9 triệu USD/ha)...
Cần tạo mặt bằng sạch
Theo báo cáo mới nhất của UBND huyện Thuỷ Nguyên, tổng diện tích đã giải phóng mặt bằng là 468,8ha; trong đó diện tích đã trả tiền bồi thường, hỗ trợ là 447,27ha; diện tích mặt bằng sạch khoảng 391,96ha. Tính đến thời điểm này vẫn còn 76,88ha chưa giải phóng mặt bằng; trong đó các hộ dân đã nhận tiền đền bù nhưng chưa bàn giao mặt bằng 55,31ha, đã phê duyệt nhưng các hộ dân chưa nhận tiền 5,7ha, chưa lập phương án bồi thường hỗ trợ 15,8ha.
8/17 hộ dân ở xã Thủy Sơn liên quan đến 0,3ha đất ở, 23 hộ ở xã Dương Quan nằm trên trục đại lộ Đông - Tây, 2 hộ nằm trong khu tái định cư số 2, 90 hộ dân xã An Lư liên quan 28,6ha đất nông nghiệp trồng cây hàng năm và nuôi trồng thuỷ sản có kèm theo công trình vật liệu kiến trúc, cây cối hoa màu; 3 hộ dân xã Trung Hà liên quan đến việc chưa bàn giao 1ha đất nông nghiệp trồng cây hàng năm và NTTS... đã kiến nghị liên quan đến đơn giá, chính sách bồi thường, hỗ trợ thấp và yêu cầu bố trí tái định cư.
Cùng với đó, xã Lập Lễ có tổng diện tích đất thu hồi là 37,1ha ở thôn Lạch Sẽ, Đầu Cầu và Bảo Kiếm; diện tích đã lập phương án bồi thường, hỗ trợ là 26,1ha của 299 hộ dân nhưng vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc như: 13 hộ chưa nhận tiền và kiến nghị được công nhận quyền sử dụng đất như đất nông nghiệp theo Quyết định số 03/QĐ-UB ngày 4-1-1994 của UBND thành phố và được bồi thường 100% mức giá; diện tích 5ha ở thôn Bảo Kiếm đang xác định nguồn gốc sử dụng đất để phục vụ cho việc lập, phê duyệt và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ...
Để giải quyết dứt điểm những vướng mắc nêu trên, UBND huyện Thuỷ Nguyên kiến nghị với thành phố và các cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn và ban hành quy trình cưỡng chế thu hồi đất đối với những hộ cố tình chây ỳ nằm trong diện tích đã bàn giao cho các nhà đầu tư thứ cấp; xác định rõ nguồn vốn thực hiện quy hoạch, GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư, nghĩa trang, đất sản xuất kinh doanh dịch vụ tại các xã trong vùng dự án để hỗ trợ công tác GPMB..., đồng thời đề nghị Vsip Hải Phòng yêu cầu các nhà đầu tư ưu tiên tuyển dụng con em trong độ tuổi lao động của các hộ gia đình có đất bị thu hồi; khẩn trương thi công phần diện tích các hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng, nhất là phần diện tích có các công trình vật liệu kiến trúc và NTTS để tránh tình trạng tái sử dụng...
Năm 2013 là năm kỷ niệm 40 năm hợp tác quan hệ ngoại giao Việt Nam - Singapore và Sigapore hiện xếp thứ 2 trong tổng số 101 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 9 về kết nối Việt Nam - Singapore vừa diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung tháo gỡ khó khăn trong hợp tác về: thương mại, đầu tư, du lịch, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, đào tạo nguồn nhân lực... giữa hai bên. Theo đó, những khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng của khu công nghiệp Vsip tại Hải Phòng sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với địa phương chỉ đạo quyết liệt hơn.
Đây là cơ sở, tín hiệu tốt để Vsip quyết tâm thực hiện mục tiêu thu hút các nhà đầu tư tiềm năng là các tập đoàn đa quốc gia quy mô lớn, có sản phẩm cạnh tranh, có công nghệ nguồn sạch và thị trường rộng lớn đầu tư vào Hải Phòng.
Trần Phương- anhp.vn