image banner
TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Cơ quan nhà nước vẫn chưa liên thông điện tử
    Cơ quan nhà nước vẫn chưa liên thông điện tử

    Cùng một địa chỉ trụ sở nhưng văn thư của cơ quan ở tầng trên vẫn phải chạy xuống bộ phận văn thư của cơ quan ở tầng dưới để gửi công văn. Việc làm thủ công này cho thấy môi trường làm việc điện tử liên cơ quan vẫn chưa thể thành hình.

    Chưa có định hướng

    Môi trường làm việc điện tử liên cơ quan (MTLVĐTLCQ) lý tưởng là môi trường mà các cơ quan Nhà nước có thể trao đổi hoàn toàn mọi công việc trên mạng, từ họp hành, ký kết, đến hợp tác điều phối dự án, kế hoạch… Đây là thành quả của một Chính phủ điện tử hoàn thiện. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử mới chỉ đang ở chặng đường đầu, do đó cũng dễ hiểu chuyện MTLVĐTLCQ vẫn chưa thể thành hình.

    Trao đổi với phóng viên Bưu điện Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Phòng CNTT, Sở TT&TT An Giang cho biết việc liên thông ứng dụng CNTT-TT với các cơ quan khác để xây dựng MTLVĐTLCQ hiện đang nằm trong định hướng của Sở. Còn lãnh đạo phụ trách CNTT của một Bộ khá lớn cho biết hiện Bộ này vẫn chưa có ý tưởng, kế hoạch gì về MTLVĐTLCQ. Trên thực tế, các cơ quan Nhà nước đều rất tích cực đẩy nhanh tiến độ ứng dụng CNTT-TT, song thường mới chỉ dừng ở mức nội bộ.

    Không hiếm trường hợp cùng một địa chỉ trụ sở nhưng văn thư của cơ quan ở tầng trên vẫn phải chạy xuống bộ phận văn thư của cơ quan ở tầng dưới để gửi công văn. Sau một thời gian, công văn phúc đáp lại được di chuyển theo hướng từ tầng dưới lên tầng trên. Thời gian gửi – nhận – xử lý văn bản tuỳ thuộc rất nhiều vào độ trễ của cán bộ văn thư. Trong khi nếu liên thông điện tử thì công văn sẽ được tự động truyền qua mạng tới “người nhận” trong thời gian ngắn hơn rất nhiều.

    Một ứng dụng thể hiện khá rõ tính chất “liên cơ quan điện tử” là Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách & kho bạc (TABMIS) được Bộ Tài chính chủ trì vận hành từ nhiều năm qua thì đến giờ vẫn chưa “gặt hái” được kết quả như mong muốn.

    TABMIS là hệ thống thông tin giúp các cơ quan liên quan tới ngân sách Nhà nước (NSNN) thực hiện quản lý chi tiêu NSNN, đồng thời cũng giúp Bộ Tài chính quản lý hiệu quả hoạt động thu NSNN. Qua đó, số liệu sẽ được quản lý tập trung, xuyên suốt từ cấp Trung ương tới địa phương, tránh sai sót và nâng cao hiệu quả công tác thu chi.TABMIS được nhìn nhận là bước khởi đầu của “lộ trình liên thông” hướng tới xoá bỏ tình trạng “cát cứ” thông tin giữa các Bộ, ngành, cơ quan Nhà nước trong suốt thời gian qua. Bởi khi đã khai thông được “khâu” kết nối các Bộ, ngành trong mảng quản lý NSNN, thì sẽ có nền tảng (chí ít là cơ sở hạ tầng) để triển khai liên thông kết nối Bộ, ngành trong nhiều mảng, lĩnh vực hoạt động khác nữa.

    Thế nhưng đến giờ, nhiều Bộ, ngành vẫn chưa triển khai kết nối với TABMIS, mặc nhiên “phó mặc” cho Bộ Tài chính với quan niệm rằng đây là nhiệm vụ của Bộ này.

    Khó liên thông khi không “tương xứng”

    Lý giải việc chưa thể hình thành MTLVĐTLCQ, ông Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh nguyên nhân hiện vẫn chưa có giải pháp tổng thể triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

    Nhìn vào hệ thống văn bản pháp luật thì thấy còn thiếu quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý văn bản điện tử trên toàn quốc, các quy định nhằm giảm văn bản giấy tờ, tăng cường chia sẻ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước... Bên cạnh đó, lãnh đạo và cán bộ chủ chốt một số đơn vị chưa ứng dụng triệt để các phần mềm đã triển khai vào công việc, kinh phí triển khai ứng dụng còn nhiều hạn chế, nhân lực quản trị còn thiếu và yếu, đa phần còn phải kiêm nhiệm nhiều việc, chưa có chế độ, chính sách để giữ nguồn nhân lực CNTT. Một nguyên nhân khác cũng đã được nhiều chuyên gia CNTT-TT nhìn nhận là chưa có sự tương xứng về hạ tầng CNTT-TT giữa các cơ quan Nhà nước

    Theo thống kê của Bộ TT&TT, tỷ lệ trung bình máy tính trên cán bộ công chức tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ mới đạt 88%, tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 63%. Nghĩa là vẫn còn không ít cán bộ công chức chưa có máy tính cá nhân để làm việc. Trong số máy tính nêu trên, còn tới 11,5% máy tính ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ và 36% máy tính ở địa phương chưa kết nối Internet, không thuận tiện cho việc trao đổi liên kết thông tin trực tuyến.

    Về triển khai họp trực tuyến, nhiều địa phương đạt tỷ lệ 100% các cuộc họp diện rộng được thực hiện trực tuyến, điển hình là Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Cần Thơ, Bắc Kạn, thì Thái Bình chỉ đạt 5%, Tiền Giang 9%... Hoặc về tỷ lệ trung bình văn bản đi/đến được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng Internet có sự chênh lệch rất lớn. Trong khi Hà Nội đạt 100%, Đà Nẵng 93%, Quảng Nam 80%, Lạng Sơn 80%... thì Bà Rịa Vũng Tàu chỉ đạt 0,2%, Thanh Hoá 3%, Cao Bằng 5%, Sơn La 7%, Vĩnh Phúc 9%... Sự khập khiễng này cũng là một lực cản đối với hoạt động triển khai MTLVĐTLCQ.

    Dẫu sao, việc xây dựng MTLVĐTLCQ đang có thêm một điều kiện thuận lợi là pha 2 mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và nhà nước đã hoàn thành, hỗ trợ các cơ quan có thể trao đổi liên thông công việc trên mạng chuyên biệt đảm bảo an toàn bảo mật thông tin.

    Một số cơ quan như Sở TT&TT An Giang cho biết đang chuẩn bị triển khai liên thông bước đầu bằng phần mềm quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành trên môi trường mạng và phần mềm quản lý một cửa điện tử nhằm thực hiện “một cửa liên thông”, đồng thời ứng dụng các phần mềm quản lý các thủ tục hành chính gắn với các phần mềm quản lý một cửa điện tử để giải quyết các thủ tục hành chính hoàn toàn trên máy tính.

    Thời gian tới, các cơ quan Nhà nước cần phải thực sự “tăng tốc” thì mới có thể đạt mục tiêu tới năm 2020 tích hợp các hệ thống thông tin, tạo lập được môi trường mạng rộng khắp, và hầu hết giao dịch của các cơ quan Nhà nước được thực hiện trên môi trường điện tử, mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau.

Theo ictnews.vn

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0