image banner
TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Những mốc son lịch sử trong kháng chiến chống Pháp (giai đoạn 1946-1954) trên địa bàn huyện Thủy Nguyên: Tổng phá tề, trừ gian (ngày 25-10-1948)

Những mốc son lịch sử trong kháng chiến chống Pháp (giai đoạn 1946-1954) trên địa bàn huyện Thủy Nguyên (tiếp)

3. Tổng phá tề, trừ gian (ngày 25-10-1948)

Ngày 19-1-1948, Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị "Phá hội tề". Chỉ thị nêu rõ: "Đối với hội tề cũng như với mọi tổ chức bù nhìn khác, cố nhiên nói chung chúng ta phải tìm hết cách phá, đồng thời phải củng cố cơ quan chính quyền của ta ngay trong vùng địch kiểm soát". Tháng 7-1948, Hội nghị đại biểu của Đảng bộ huyện được triệu tập, họp tại thôn Thiên Đông (xã Đông Sơn). Gần 100 đại biểu thay mặt cho trên 300 đảng viên trong toàn Đảng bộ về dự. Các đại biểu báo cáo tình hình cơ sở, thảo luận chủ trương phát triển nhân dân chiến tranh, phá tề, trừ gian, giành quyền làm chủ....

Đầu tháng 10-1948, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện mở rộng họp ở thôn Mỹ Cụ (Chính Mỹ), đánh giá tình hình chung và quyết định mở đợt "Tổng phá tề, trừ gian, tiến công đồn giặc, phát động chiến tranh du kích”. Mục đích cơ bản là: Giải tán bộ máy tề trong toàn huyện; đánh nội ứng một số đồn và tước vũ khí của Bảo an để trang bị cho dân quân du kích, bộ đội huyện, phát động chiến tranh du kích... Công việc chuẩn bị hết sức khẩn trương và bí mật. Lực lượng vũ trang của huyện chuẩn bị phương án công đồn. Công an bắt liên lạc với quận trưởng để giao nhiệm vụ của Ủy ban kháng chiến hành chính. Đoàn thể quần chúng bố trí lực lượng giải tán tề nguỵ. Ban Thông tin chuẩn bị tin bài, phương tiện để phát thanh kịp thời. Khẩu hiệu, cờ, biểu ngữ, cổng chào được chuẩn bị chu đáo. Dưới sự chỉ đạo thống nhất của Huyện ủy, đêm 20-10-1948, để thăm dò tình hình địch, lực lượng vũ trang và nhân dân tiến hành bắt một số tề, ngụy đầu sỏ, tước vũ khí của lính Bảo an ở các khu vực trọng điểm, thu được 97 khẩu súng. Ngày 22, 23, binh lính địch tiến hành vây ráp nhưng không đạt được kết quả, lại bị thiệt hại do một số anh em binh lính bỏ ngũ. Quá tức tối, chúng đã bắt đi hơn 100 con trâu bò đưa về bốt.

Trong các ngày 22 và 23-10-1948, các huyện lân cận như Đông Triều, Kinh Môn cũng nổi dậy phá tề trừ gian. Công việc chuẩn bị của nhân dân Thủy Nguyên vẫn giữ được bí mật, tạo yếu tố bất ngờ. Đêm ngày 24 rạng ngày 25-l0-1948, cuộc tổng phá tề chính thức bắt đầu. Ban Chỉ đạo ra lệnh cho bộ đội, dân quân du kích phối hợp làm nòng cốt cho nhân dân toàn huyện nổi dậy giải tán các ban tề, tước vũ khí của lính bảo an, bao vây, tiến công đồn địch. Tiếng trống, tiếng chiêng cùng với tiếng hô khẩu hiệu, hò reo của dân chúng náo động khắp huyện. Bộ đội chủ lực huyện  phối hợp với du kích xã bao vây, kêu gọi binh lính địch ở bốt ra hàng và giành lại hơn 100 con trâu bò về cho dân. Nhiều đồn bốt khác cũng bị du kích bao vây bắn tỉa. Các chi bộ Đảng, Ủy ban kháng chiến hành chính ở các xã giải tán tề, tạm giữ những tên gian ác ở 82 thôn, xã. Tiếp các ngày sau, mọi người nô nức đi phá đường, phá cầu, cắt dây điện thoại liên lạc chặn giặc tiếp vận, giải tỏa các đồn bốt... Dân chúng đổ ra đường hô khẩu hiệu "Đả đảo giặc Pháp, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh". Nhiều nơi dựng cổng chào căng biểu ngữ chào mừng thắng lợi, Ủy ban kháng chiến hành chính và các đoàn thể đưa ra hoạt động công khai. Một số xã Lâm Động, Dương Quan, Hoàng Hoa còn lập trụ sở, treo cờ. Tính đến ngày 28-10- 1948, hơn 100 binh lính địch ra hàng, ta thu được 125 súng và nhiều loại vũ khí khác.

Cuộc tổng phá tề bằng vũ trang kết hợp với quần chúng nổi dậy cùng lúc trong toàn huyện làm cho địch hết sức bất ngờ, hoang mang, nằm im. Bộ máy tề ngụy và hệ thống Bảo an bị xóa, nhiều binh lính bỏ ngũ. Kẻ thù không có được phản ứng kịp thời.

Tinh thần kháng chiến của Đảng bộ và nhân dân Thủy Nguyên trong những ngày Tổng phá tề được biểu dương trên báo Cứu Quốc ngày 6-12-1948: "Tại Hồng Quảng toàn thể nhân dân Thủy Nguyên đứng lên giết giặc, dân chúng vác cờ đi diễu phố, đàn bà cầm đòn gánh đánh Tây, máng dẫn nước vào thành phố bị phá, hơn 100 binh lính địch đem 100 súng trở về hàng ngũ". Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh gửi tập ảnh lãnh tụ về tặng Thủy Nguyên và đánh giá “Việc phá tề toàn huyện Thủy Nguyên, từ ngày 20 đến 27-10-1948 và việc đột kích vào Hà Nội đã góp phần không cho địch tập trung quân và rảnh tay đối phó...”

Cuộc nổi dậy "Tổng phá tề, trừ gian, tiến công đồn bốt địch giành quyền làm chủ” trong những ngày cuối tháng 10- 1948 có ý nghĩa rất lớn, thể hiện tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của Đảng bộ và nhân dân Thủy Nguyên. Quyết định của Huyện ủy lãnh đạo nhân dân vùng lên phá tề, trừ gian để mở hướng phát triển phong trào kháng chiến ở một địa bàn chiến lược trọng yếu là phù hợp với tình hình lúc đó, được đông đảo nhân dân đồng tình.



image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0