image banner
TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Những mốc son lịch sử trong kháng chiến chống Pháp (giai đoạn 1946-1954) trên địa bàn huyện Thủy Nguyên: Tập kích đồn Thanh Lãng 9/1953

Những mốc son lịch sử trong kháng chiến chống Pháp (giai đoạn 1946-1954) trên địa bàn huyện Thủy Nguyên

6. Tập kích đồn Thanh Lãng 9/1953

Trong thời kỳ chuyển hướng lấy đấu tranh chính trị là chính, tuy có thu được một số kết quả nhưng với hai bàn tay không, chỉ có tinh thần cách mạng và lý lẽ, quần chúng bị kẻ thù khủng bố dã man. Ở địa bàn địch chiếm đóng sâu mà không sử dụng đấu tranh vũ trang để hỗ trợ cho quần chúng là không phù hợp. Kẻ thù tự do hoành hành. Bộ đội, dân quân du kích, công an phải chôn giấu súng đạn. Nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên có vũ khí trong tay mà không được nổ súng, chịu để địch bắt hoặc hy sinh. Nổ súng sẽ vi phạm kỷ luật, nếu nơi nào có điều kiện đánh địch phải được Thành ủy đồng ý.

Năm 1953, Huyện ủy xác định công tác chống địch bắt lính, thu thuế, binh ngụy vận là công tác trọng tâm, đi đôi với việc phục hồi và giữ vững cơ sở. Càng thất bại, quân số càng thiếu hụt lớn, thực dân Pháp ráo riết đẩy mạnh việc đôn quân, bắt lính. Cũng trong thời gian này, bộ đội và du kích Hải Phòng - Kiến An đã tiến hành một số trận đánh lớn vào tận sào huyệt của địch. Tiêu biểu là trận tập kích vào tỉnh lỵ Kiến An (20-4-1953), Sở Dầu (18-6-1953)... Những chiến thắng này có tác động rất lớn đối với phong trào kháng chiến ở Thủy Nguyên. Trong khi đó, Thủy Nguyên vẫn được chỉ đạo hoạt động theo phương châm vùng địch chiếm đóng sâu, lấy đấu tranh chính trị và gây cơ sở là trọng tâm. Điều đó làm cho các đồng chí lãnh đạo của huyện ủy và các cấp ủy Đảng băn khoăn. Từ thực tế đòi hỏi, huyện ủy Thủy Nguyên đã chịu trách nhiệm, quyết định chủ trương tiến hành vũ trang đánh địch ở vùng giáp khu du kích, để hỗ trợ cho đấu tranh chính trị của quần chúng.

Tháng 9-1953, thời cơ xuất hiện, tuy chưa nhận được ý kiến trả lời của Thành ủy, Huyện ủy quyết định sử dụng nhân mối tập kích bốt Thanh Lãng. Đồn bang tá Thanh Lãng có một trung đội bang dũng đóng giữ. Ta đã tổ chức được nhân mối trong lực lượng này, do Đỗ Văn Rơm (vệ Rơm) phụ trách. Bộ đội và du kích bí mật đột nhập bắn chết tên bang tá, thu vũ khí, đưa 12 binh sĩ và vũ khí vượt sông ra căn cứ an toàn. Quân Pháp đóng gần đó vẫn không phát hiện được. Trận tập kích diễn ra nhanh, gọn và kết quả trận đánh thắng lợi đã có tác động tích cực đến tinh thần và tư tưởng của đông đảo nhân dân Nhân đà thắng lợi, công an huyện phối hợp với du kích các xã tiến hành việc trừ khử một số tên tề gian ác và bắt một số tên khác đưa ra vùng tự do để cải tạo. Phong trào kháng chiến từng bước được phục hồi. Ta dần giành lại thế chủ động.

Chín năm kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền và Thủy Nguyên luôn tìm tòi, suy nghĩ làm thế nào để vận dụng đường lối kháng chiến của Đảng phù hợp với tình hình thực tế. Những lúc bị kẻ thù khủng bố điên cuồng, không ít cán bộ, đảng viên thoái chí, quần chúng hoang mang nhưng Đảng bộ đã biết tập trung trí tuệ, củng cố đội ngũ và đưa phong trào kháng chiến vượt qua được những thử thách to lớn.

- Vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến của Đảng vào tình hình thực tế của địa phương, có phương thức hoạt động đúng.

Ngay từ đầu cuộc kháng chiến, thực dân Pháp đã coi Thủy Nguyên có tầm quan trọng chiến lược để bảo vệ thành phố Hải Phòng, thông với vùng mỏ và đường 18. Do vậy, sau khi thông được đường 5, quân Pháp đánh chiếm Thủy Nguyên ngay, trước các huyện, thị xã của tỉnh Kiến An. Chính bản thân điều đó đã phản ánh mức độ quyết liệt của cuộc kháng chiến. Thế nhưng suốt 9 năm, bằng mọi âm mưu và thủ đoạn thâm độc, kẻ thù không bao giờ bình định, lập được tề trên địa bàn toàn huyện mà luôn tồn tại hai vùng du kích và tạm chiếm khá rõ rệt.

Được xác định là vùng tạm chiếm, phương châm hoạt động đã được cấp trên chỉ rõ nhưng Đảng bộ Thủy Nguyên không chỉ lấy đấu tranh chính trị, xây dựng cơ sở là chính mà còn sử dụng hoạt động vũ trang hỗ trợ, tạo thế phát triển cho phong trào. Những năm (1951-1952), coi nhẹ đấu tranh vũ trang đã trở thành bài học xương máu. Cuộc vùng lên tổng phá tề, trừ gian ngày 25-10-1948, những trận đánh vào các vị trí địch (1949-1950) và trận đánh bốt Thanh Lãng tháng 9-1953 đều có ý nghĩa rất lớn. Những suy nghĩ sáng tạo về sử dụng đấu tranh vũ trang, ngay lúc đó bị nhiều ý kiến phán xét về việc chấp hành chủ trương phương châm hoạt động ở vùng tạm chiếm, nhưng thực tế lịch sử đã chứng minh tính đúng đắn, phù hợp của quyết định này. Nếu không có quyết tâm ấy của Huyện ủy, cam chịu để kẻ thù tự do bắn giết, đàn áp các cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng thì tình hình kháng chiến sẽ càng trở nên đen tối hơn.

- Luôn coi trọng công tác củng cố tổ chức, đưa cán bộ, đảng viên về bám cơ sở, bám sát nhân dân.

Điều này sẽ trở thành chủ trương xuyên suốt của Đảng bộ trong cả cuộc kháng chiến, lúc phong trào mạnh cũng như lúc yếu. Ngay từ những ngày đầu tiên địch chiếm đóng, chưa có chỉ thị của trên nhưng Huyện ủy đã có chủ trương đưa cán bộ, đảng viên trở về địa bàn hoạt động. Những năm tháng sau đó cũng vậy, dù hy sinh, tổn thất, gian khổ, từ đồng chí Bí thư Huyện ủy đến các đảng viên đều trở về “Bám đất, bám dân, sống với dân, chết với dân", bằng các hình thức bí mật hay công khai hợp pháp. Đảng bộ có 1.397 đảng viên thì trở về địa bàn trên 1.000 đồng chí. Chính qua cuộc thử lửa ấy, tổ chức Đảng càng thêm vững mạnh, chất lượng cán bộ, đảng viên càng cao. Những năm thực hiện "Thi đua phát triển Đảng”, đưa Đảng trở thành Đảng của quần chúng... đã làm Đảng bộ gặp nhiều khó khăn bởi một nửa số cán bộ, đảng viên chạy dài, nằm im hoặc đầu hàng, xuất thú sau những đợt khủng bố của kẻ thù. Do vậy, sức mạnh của Đảng bộ không phải ở số đông mà ở chất lượng mỗi đảng viên và năng lực hoạt động của các cấp ủy, các tổ chức Đảng.

- Tổ chức và tập hợp các lực lượng quần chúng cùng hành động một ý chí Toàn dân đánh giặc.

Một trong những nhiệm vụ cơ bản đưa cán bộ, đảng viên về "Sống với dân, chết với dân" là tập hợp quần chúng, xây dựng cơ sở kháng chiến. Trong 9 năm chiến đấu sống còn ấy, không lúc nào, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng Nông hội, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ... ở các làng xã bị kẻ thù “xóa trắng”, trừ một số nơi bị kẻ thù dùng thủ đoạn phản động hóa toàn làng. Chính lực lượng này đảm nhận những trọng trách nặng nề: Đánh giặc, đào hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ, làm giao thông, sản xuất và đóng góp cho kháng chiến. Các đoàn thể đã tập hợp đông đảo các ngành, các giới, các lứa tuổi tham gia. Đó chính là lực lượng quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ và nhân dân Thủy Nguyên đã vượt qua bao gian lao, thử thách và hy sinh to lớn, làm rạng thêm truyền thống của địa phương và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Phát huy truyền thống và những kinh nghiệm trong những năm kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân Thủy Nguyên vững tin bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

(Nguồn tham khảo Lịch sử đảng bộ huyện Thủy Nguyên (1930-2013, NXB Hải Phòng, năm 2013; Lịch sử đảng bộ xã Lại Xuân, NXB Hải Phòng, năm 2006)

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0