image banner
TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Di tích lịch sử cấp thành phố: Đình An Ninh Ngoại, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng

Di tích lịch sử cấp thành phố: Đình An Ninh Ngoại, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng

Di tích đình An Ninh Ngoại được xây dựng từ lâu đời. Theo nội dung bia ký Hậu thần bi ký, niên hiệu Vĩnh Khánh 3 (1721) thì muộn nhất đình An Ninh Ngoại được dựng từ thời Lê Trung Hưng (đầu thế kỷ XVIII). Trải qua thời gian lịch sử gần 300 năm, đình đã được nhiều lần trùng tu, sửa chữa, lần gần nhất được khắc ghi trong bia đá niên hiệu Khải Định (1922).

Đình xưa được làm theo kiểu chữ Đinh truyền thống, có ván sàn lòng thuyền, không gian gồm: toà tiền tế 5 gian và hậu cung 3 gian. Từ năm 1964, đình được dỡ bỏ, lấy gỗ phục vụ công tác phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Đến năm 2003 - 2006, đình được khôi phục như hiện nay.

Di tích đình An Ninh Ngoại hiện nay là công trình kiến trúc mới, được xây dựng bằng vật liệu hiện đại, xi măng cốt thép, có bố cục mặt bằng hình chữ Đinh, bao gồm toà tiền tế 3 gian và hậu cung 2 gian. Toà tiền tế có hệ mái được thiết kế kiểu chéo đao tàu góc, bờ nóc trang trí đắp vẽ các đề tài truyền thống “lưỡng long chầu nhật”, hai đầu kìm đắp con kìm, đầu đao đắp rồng trong thế cuộn đuôi tạo đầu đao thanh mảnh, cong vút. Hệ khung chịu lực tiền tế gồm 4 bộ vì, chia không gian toà công trình thành 3 gian. Các bộ vì được thiết kế theo kiểu “kèo suốt quá giang”. Các cấu kiện để mộc, không đắp vẽ hoa văn, thay vào đó được sơn nâu màu gỗ. Không gian nội thất với gian giữa đặt nhang án và hệ thống bát bửu. Hậu cung tường hồi bít đốc, vượt ra ngoài vẻ đẹp về hình thức, toà hậu cung được tập trung vào hệ thống đồ thờ tự, đặc biệt là không gian linh thiêng đặt long ngai, bài vị và thần tượng đức thành hoàng làng.

Đình An Ninh Ngoại phụng thờ thần hiệu 3 vị là Ưu Bà Di tôn thần, Ưu Bà Tát tôn thần, Đương cảnh thành hoàng Hồng Tế cư sĩ tôn thần. Trong đó, theo bản khai thần hiệu, sắc văn của Lý trưởng xã An Ninh Ngoại năm 1918 thì hai vị Ưu Bà Di tôn thần và Ưu Bà Tát tôn thần là âm thần và không có sắc phong, sự tích.

Đương cảnh thành hoàng Hồng Tế cư sĩ tôn thần, ngài là Vũ Hồng. Trải qua thời gian lịch sử, văn hoá biến đổi. Đến nay, đình An Ninh Ngoại chỉ còn thờ long ngai, bài vị thành hoàng làng Vũ Hồng. Theo thần phả Thanh lãng, xã Quảng Thanh: Vũ Hồng và Vũ Thị Lê Hoa là hai anh em sinh đôi trong một gia đình nghèo, có nề nếp ở làng Ráng, nay là thôn Thanh Lãng, xã Quảng Thanh, huyện Thuỷ Nguyên. Thuở nhỏ, hai anh em chịu khó học hành, thạo cung tên, giỏi võ nghệ. Vào thời Hùng Vương thứ 6, giặc Ân vào xâm lược nước ta. Nhà Vua sai sứ giả đi tìm người tài giỏi cứu nước. Hai anh em bàn nhau xin phép phụ mẫu đi thi và đều được tuyển mộ. Nhà Vua phong Vũ Hồng làm Chinh khấu đại tướng quân, Vũ Thị Lê Hoa là Tiền bộ tiên phong, sai đóng quân ở vùng Kinh Môn, chỉ huy 36 đồn quanh vùng đề phòng giặc từ biển vào đất liền. Trong trận đấu không cân sức, hai anh em Chinh Khấu đại tướng quân đã hy sinh anh dũng. Dân làng thương tiếc lập miếu thờ. Nhiều triều đại sau này đều phong tặng thần hiệu, mỹ tự. Theo thần phả, bên cạnh Thanh Lãng thì còn có khoảng 36 thôn của huyện Kim Thành, Hải Dương lập miếu thờ anh em Vũ Hồng và Lê Hoa.

Là danh tướng, nhân vật lịch sử có công lao lớn đối với quê hương, dân tộc, trải các triều đại, Vũ Hồng được Vua ban tặng sắc phong, cho phép các địa phương hương khói thờ phụng. Theo bản kê khai thần hiệu, sắc phong năm 1918 còn chép lại được, ngài Vũ Hồng được phong 4 đạo sắc: Niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853) một đạo sắc phong làm Bản cảnh; Niên hiệu Tự Đức thứ 33 (1880) một đạo sắc phong làm Bản cảnh; Niên hiệu Đồng Khánh thứ 2 (1887) một đạo sắc phong làm Bản cảnh; Niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909) một đạo sắc phong làm Bản cảnh.

Theo Báo cáo nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển đình, chùa làng văn hoá An Ninh Ngoại, xã An Sơn, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng. Hội KHLS Hải Phòng và Phòng VHTT huyện Thuỷ Nguyên xác nhận: Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp của dân tộc, địa phương, di tích đình An Ninh Ngoại đều mang dấu tích lịch sử, kháng chiến. Năm 1949, tại đình, thực dân Pháp đã bắt, tra tấn và sát hại 14 người, trong đó có đồng chí Bùi Ngọc Liễn, bí thư chi bộ. Năm 1952, Pháp đóng quân tại bốt Núi Cao sau lưng chùa. Tại chùa thực dân Pháp và lính Bảo An đã bắt các chiến sỹ cách mạng và nhân dân lên tra khảo.

Như vậy, di tích đình An Ninh Ngoại là công trình tín ngưỡng quan trọng của địa phương, đồng thời, trong các cuộc kháng chiến bảo vệ quê hương, đất nước, các di tích đều đóng góp quan trọng, là cơ sở tin cậy để cán bộ và du kích hoạt động cách mạng.

Sinh hoạt văn hoá và tín ngưỡng xưa được cộng động tổ chức vào các dịp như sau: Ngày 19/2 làm lễ kỳ phúc ở đình, mua lợn, rượu tế thần; mồng 02/10 lễ khánh hạ tế đức tôn thần, sắm lợn, xôi tế thần và biếu lão; Lễ giỗ hậu thần, hậu phật và lễ thượng nguyên 15/01 ở chùa do Lý Trưởng, Chánh Hội cấy ruộng, lấy hoa mầu làm lễ giỗ hậu; ngày mùng 01/01 là lệ tết Nguyên đán, giao cho bốn người cai đám sắm lễ vật, hương đăng thờ ba ngày tết ở đình; ngày 20/8 ngày hoá đức tôn thần, chuẩn bị 5 bàn xôi, lễ vật tế thần; ngày mồng 1/12 là lệ chạp thần, chuẩn bị 5 bàn xôi, lễ vật tế đức tôn thần; ngày 30/12 là ngày tống cựu nghinh tân ở đình, bốn người cai đám chuẩn bị 3 bàn xôi tế đức tôn thần, sau dân ăn uống, không có biếu gì.

Sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng hiện nay vẫn được cộng đồng sở tại duy trì tổ chức tại đình làng An Ninh Ngoại. Tuy nhiên thời gian có sự thay đổi, nếu trước đây lễ kỳ phúc diễn ra vào ngày 19/2 thì nay dân làng tổ chức sớm hơn và diễn ra trong ba ngày từ ngày 15 - 16/2, ngày 16 là tế chính. Đây cũng là dịp mở hội lớn nhất trong năm của làng An Ninh Ngoại. Trong lễ hội có tổ chức rước nước từ sông Kinh Thầy về thờ tại đình. Nước được rước trên kiệu. Cùng với đó có lễ rước các vị thần linh trong làng, xã cùng về đình hội tế. Tham gia vào các nghi thức, nghi lễ là đoàn tế nam quan và nữ quan của làng đảm nhiệm. Ngày 15 tế cáo, ngày 16 tế chính và ngày 17 tế giã đám. Lễ vật dâng thần là những vật phẩm như: thủ lợn, xôi, gà, hoa quả, hương đăng, trầu rượu...Trong lễ hội có tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống và hiện đại như: chọi gà, cờ tướng, bóng chuyền. Buổi tối có văn nghệ hát dân ca, hát chèo.

Trải thời gian lịch sử, di tích đình An Ninh Ngoại còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật góp phần quan trọng khẳng định giá trị lịch sử, văn hoá của di tích như:

- Long ngai, bài vị: long ngai, bài vị được sơn thếp rực rỡ, thân ngai chạm thủng trảng trí đề tài “Long, lân, quy, phượng”, kỳ lân được tạo hình dưới dạng cõng hà đồ, chim phượng ngậm dây buộc cuốn thư được cõng trên lưng rùa, tay ngai tạo đầu rồng trong thế vươn đầu về phía trước. Đế ngai tạo kiểu chân quỳ dạ cá, chạm trổ biểu tượng hổ phù, thao thiết, chim phượng và hoa lá như hoa cúc, diềm khung tạo dải băng cánh sen. Long ngai, bài vị có niên đại Nguyễn (cuối thế kỷ XIX);

- 09 bia đá gồm, Bia Hậu thần bi ký,  niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3 (1721); Bia Phụng tự bi ký, niên hiệu Bảo Thái thứ 7 (1726); Bia Hậu thần bi ký, niên hiệu Gia Long thứ 5 (1806); Bia Hương biểu bi ký, niên hiệu Tự Đức thứ 21 (1868); Bia Hậu thần bi ký, niên hiệu Tự Đức Nhâm Thìn; Bia Hậu thần bi ký,  niên hiệu Tực Đức thứ 33 (1880); Bia Hương biểu bi ký, niên hiệu Thành Thái năm Ất Tỵ (1905); Bia Hậu thần bi ký, niên hiệu Thành Thái Quý Tỵ (1893); Bia Hậu thần bi ký, niên hiệu Khải Định năm Nhâm Tuất, ngày 17/10/1922. Cùng với những di vật, cổ vật kể trên, đình An Ninh Ngoại còn bảo tồn nhiều đồ thờ tự, tế tự, hệ thống hoàng phi, câu đối góp phần làm giàu thêm giá trị cho ngôi đình làng.

Với những giá trị to lớn đó, Ủy ban nhân dân thành phố công nhận đình An Ninh Ngoại là tích lịch sử cấp thành phố./.

Phòng VH&TT

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 471
  • Trong tuần: 7 067
  • Tất cả: 90426