image banner
TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Dự kiến kiến phương án tên gọi đơn vị hành chính sau sắp xếp của thành phố Thủy Nguyên

(Thuynguyen.haiphong.gov.vn) - Ý nghĩa của địa danh dự kiến đặt tên gọi cho các xã, phường sau khi sắp xếp đơn vị hành chính tại thành phố Thủy Nguyên.

Ban Thường vụ Thành ủy Thủy Nguyên thống nhất đặt tên các đơn vị hành chính sau sắp xếp đơn vị hành chính  theo tên  địa danh, danh nhân, gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa, truyền thống của địa phương, dự kiến như sau:

1: Phường Thủy Nguyên (Thủy Nguyên 1).
 Là tên gọi lịch sử lâu đời, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất phía Bắc thành phố Hải Phòng. Việc đặt tên phường Thủy Nguyên có ý nghĩa tôn vinh địa danh gốc, gìn giữ giá trị văn hóa – lịch sử trong quá trình sắp xếp, đổi mới tổ chức hành chính. Đồng thời, tên gọi này cũng tạo sự kết nối và kế thừa trực tiếp với tên gọi của thành phố Thủy Nguyên.
Việc giành tên Thủy Nguyên để đặt cho 01 phường là ý nguyện, mong muốn của người dân thành phố Thủy nguyên.

2. Phường Thiên Hương (Thủy Nguyên 2)
Là tên gọi của một trong ba đơn vị hành chính trước khi sắp xếp. Địa bàn phường Thiên Hương hiện nay từng là trung tâm hành chính của huyện Thủy Nguyên trong một thời kỳ lịch sử. Trong cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945, vùng đất Thiên Hương đã chứng kiến sự kiện cách mạng của thành phố Thủy Nguyên, đó là: Tại Phủ Đường Thủy Nguyên (khu vực Trịnh Xá, phường Thiên Hương ngày nay) chính quyền phong kiến Thủy Nguyên bàn giao ấn triện, vũ khí cho chính quyền cách mạng, đánh dấu thắng lợi của của Nhân dân Thủy Nguyên trong việc đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay Nhân dân. 
Tên gọi Thiên Hương biểu tượng cho một vùng đất trù phú, văn hiến; có ý nghĩa là vùng đất hội tụ sự trong lành, thanh mát, bình an của đất trời.
Khi đặt tên phường Thiên Hương, người dân đều thấy được những giá trị cốt lõi của vùng đất Thủy Nguyên khi không còn tổ chức cấp huyện.

 3. Phường Hòa Bình (Thủy Nguyên 3).
Là tên gọi của một trong ba đơn vị hành chính trước khi sắp xếp. “Hòa Bình” là mong ước không những của Nhân dân Việt Nam mà là mong ước chung của toàn nhân loại. Việc lựa chọn tên phường Hòa Bình thể hiện tinh thần, khát vọng của người dân Việt Nam nói chung và Nhân dân trong phường nói riêng cùng nhau đoàn kết, đồng thuận, gắn bó quyết tâm xây dựng chính quyền đô thị ngày càng phát triển, thân thiện vì Nhân dân phục vụ. 
Tên gọi “Hòa Bình” cũng tôn vinh giá trị, sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ người dân Thủy Nguyên nói chung và truyền thống “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân” của 3 địa phương trước khi sáp nhập đối với sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do, hòa bình cho đất nước. 
Khi đặt tên Hòa Bình, người dân đều thấy được những giá trị cốt lõi của vùng đất Thủy Nguyên khi không còn tổ chức cấp huyện.

4. Phường Nam Triệu (Thủy Nguyên 4)
Là tên gọi được đặt cho của một cửa biển ở hạ lưu sông Bạch Đằng nằm tại phía Đông Nam của thành phố Thủy Nguyên. Cửa sông Nam Triệu không chỉ là tuyến đường thủy quan trọng trong giao thương, giao lưu truyền bá văn hóa trong hàng nghìn năm qua mà còn là chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử, những chiến công lịch sử hào hùng của dân tộc như: các chiến thắng Bạch Đằng, tiêu biểu là là các chiến thắng Bạch Đằng 938 và 981 khi chặn đánh quân Nam Hán, quân Tống tiến vào sông Bạch Đằng để xâm lược đất nước ta.
Vùng cửa biển Nam Triệu cùng với khu vực Lạch Huyện là không gian kinh tế biển rất quan trọng của thành phố Hải Phòng và thành phố Thủy Nguyên. Và vùng đất tiêu biểu trong kinh tế biển của Thủy Nguyên chính là khu vực phường Lập Lễ, phường Nam Triệu Giang với ngành nghề, nuôi trồng đánh bắt hải sản xa bờ, phường Tam Hưng với cơ sở đóng mới, sửa chữa tầu biển…
Khi đặt tên phường Nam Triệu, người dân đều thấy được những giá trị cốt lõi của vùng đất Thủy Nguyên khi không còn tổ chức cấp huyện.

5. Phường Bạch Đằng (Thủy Nguyên 5)
Bạch Đằng là tên dòng sông lịch sử gắn liền với 3 chiến công vĩ đại của dân tộc ta chống giặc Nam Hán, Tống, Nguyên Mông với công lao của các bậc anh hùng dân tộc như: Đức vua Ngô Quyền, Hoàng đế Lê Đại Hạnh, Đức vương Trần Hưng Đạo. Vùng đất xã Bạch Đằng, phường Minh Đức, phường Phạm Ngũ Lão có dòng sông Bạch Đằng, dòng sông Giá chảy qua; trên vùng đất này đều có những di tích, di sản, dấu tích liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng, đặc biệt là chiến thắng Bạch Đằng lần thứ ba vào năm 1288.

 Bạch Đằng là biểu tượng của sự kiên cường, anh hùng bất khuất không những của nhân dân trên địa bàn phường mà còn là truyền thống “Bạch Đằng Giang” của nhân dân Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và rộng hơn là “hào khí Bạch Đằng Giang” của dân tộc Việt Nam.
Khi đặt tên phường Bạch Đằng, người dân đều thấy được những giá trị cốt lõi của vùng đất Thủy Nguyên khi không còn tổ chức cấp huyện.

6. Phường Lưu Kiếm (Thủy Nguyên 6)
 Là tên gọi của một trong 3 đơn vị trước khi sắp xếp. Tên gọi Lưu Kiếm gắn với sự kiện lịch sử khi Đức vương Trần Hưng Đạo trao lại kiếm báu, cờ lệnh cho Nhân dân sau chiến thắng Bạch Đằng 1288, đây là sự tưởng thưởng, ghi nhận của triều đình nhà Trần với sự đóng góp của Nhân dân Thủy Nguyên trong cuộc kháng chiến với quân Nguyên Mông vào thế kỷ thứ XIII. 
Tên gọi Lưu Kiếm không chỉ dành riêng cho một đơn vị hành chính nhất định mà đã trở thành một địa danh mang tính chất biểu tượng cho sự kiên cường, dũng cảm, chiến công hiển hách của người dân Thủy Nguyên. 
Khi đặt tên phường Lưu Kiếm, người dân đều thấy được những giá trị cốt lõi của vùng đất Thủy Nguyên khi không còn tổ chức cấp huyện.

7. Phường Lê Ích Mộc (Thủy Nguyên 7)

Là trạng nguyên khai khoa của thành phố Hải Phòng. Ông sinh ra tại làng Thanh Lãng nay thuộc Làng Văn hóa Thanh Lãng, phường Quảng Thanh. Sinh thời, Ông có công rất lớn đối với sự nghiệp giáo dục, khai mở Phật pháp, giúp dân trong vùng khai khẩn đất hoang, phát triển kinh tế. Cuộc đời và sự nghiệp của Trạng nguyên Lê Ích Mộc là tấm gương sáng cho các thế hệ khác nối tiếp nhau phấn đấu học tập bởi ông chính là hiện thân của tinh thần vượt khó ham học hỏi để vươn tới đỉnh cao của trí thức, phục vụ đất nước, phục vụ Nhân dân. Ông là niềm tự hào, là biểu tượng truyền thống hiếu học của thành phố Thủy Nguyên nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung.
Việc đặt tên phường Lê Ích Mộc nhằm tưởng nhớ và tôn vinh những đóng góp của Ông đối với đất nước, đối với Nhân dân, đồng thời khơi gợi tinh thần học tập và phấn đấu trong cộng đồng.
Khi đặt tên phường Lê Ích Mộc, người dân đều thấy được những giá trị cốt lõi của vùng đất Thủy Nguyên khi không còn tổ chức cấp huyện.

8. Xã Việt Khê - Thuỷ Nguyên 8
Là tên của di chỉ khảo cổ học thời kỳ Đông Sơn thuộc giai đoạn hậu kỳ đồ đồng, sơ kỳ đồ sắt, cách ngày nay khoảng 2.500 năm và được phát hiện vào năm 1961 tại khu vực công trường Việt Khê; nay thuộc xã Ninh Sơn, thành phố Thủy Nguyên. Đây là di chỉ mộ táng vô cùng đặc biệt, tiêu biểu của nền văn hóa Đông Sơn, trong đó mộ thuyền Việt Khê được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia và được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những phát hiện khảo cổ học đặc biệt trong việc nghiên cứu, đánh giá về nền văn hóa Đông Sơn trong tiến trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam.
Tên gọi Việt Khê không chỉ là tên gọi của một vùng đất cụ thể mà là thuật ngữ địa danh quốc tế trong lĩnh vực khảo cổ học. Đây cũng là minh chứng, sử liệu quan trọng để khẳng định thành phố Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng là vùng đất cổ, có con người sinh sống lâu đời.
Việc đặt tên Việt Khê có nghĩa là dấu chân người Việt để giáo dục các thế hệ trẻ luôn có ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá lịch sử truyền thống của quê hương, đất nước.
Khi đặt tên xã Việt Khê, người dân đều thấy được những giá trị cốt lõi của vùng đất Thủy Nguyên khi không còn tổ chức cấp huyện.

Tài liệu đính kèm

AdminThuyNguyen
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0