Về truyền thống văn hoá - yêu nước
( trích trong tập Kỷ yếu “Đất và người Thủy Nguyên”)
Từ những ngày đầu dựng nước và giữ nước, vùng đất Thuỷ Nguyên đã ghi đậm những di tích lịch sử khó phai nhờ. Núi Thiển Khê, tục gọi là thành Thạch Bích- nơi nhà Mạc họp quân. Núi vân Ổ, chùa Hàm Long- là nơi danh thắng. Núi Hoàng Phái, đền Thụ Khê thờ Hưng Đạo Vương; đền Tràng Kênh thờ Trần Quốc Bảo; đền Thanh Lãng thờ Lê Ích Mộc; đền Chung Mỹ thờ Hiển linh thần tướng; ngôi đình làng Kiền Bái; ngọn tháp chùa Lâm Động... Tất cả những di tích lịch sử, kiến trúc và danh thắng ấy đã tạo nên vẻ đẹp và niềm tự hào của nhân dân Thuỷ Nguyên. Đáng kể tới là di chỉ khảo cổ nổi tiếng Tràng Kênh nằm trong giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên; di chỉ khảo cổ Việt Khê thuộc nền văn hoá Đông Sơn rực rỡ, biểu tượng cho sức sống lâu bền, mãnh liệt của Thuỷ Nguyên trong chiều sâu của lịch sử dân tộc.
Người Thuỷ Nguyên từ lâu đã xây dưng cho mình nhiều tập tục đẹp. Vốn là những người gắn bó với ruộng đồng, gò bãi, sông biển, các thế hệ cư dân nông nghiệp ở đây đã định ra một cách rõ ràng những luật lệ về bảo vệ đê điều, làng xóm, về chăm sóc mùa màng và lệ xuống đồng, về miễn thuế cho binh lính và học trò, góp tiền làm việc công. Phạt kẻ say rượu nơi công sở và kẻ trộm cắp. Họ cũng đã sáng rạo nên một nền văn học dân gian khá phong phú với một nguồn ca dao- tục ngữ dồi dào với các làn điệu của ca trù, hát đúm, hát ví, hội mở mặt ở Phục Lễ nỏi tiếng khắp vùng, phản ánh trình độ và những tình cảm cao đẹp của nhân dân Thuỷ Nguyên. Hiếu học cũng là truyền thống tốt đẹp của địa phương. Phan Huy Chú đã từng nhận xét: “Thói quen của sĩ phu phần nhiều mạnh dạn. Đỗ đạt thì có huyện Thuỷ Đường là nhiều” (Lịch triều hiến chương loại chí). Một số xã, tổng trong huyện đều có xây dựng văn chỉ, văn từ để khuyến học, đề cao văn chương. Tên tuổi trạng nguyên Lê Ích Mộc cùng với 17 người khác đỗ đại khoa của Thuỷ Nguyên với những đóng góp của họ trên các lĩnh vực văn học, chính trị, quân sự đến nay vẫn còn được nhắc nhở, ghi nhớ.
Nhìn lại trặng đường phát triển văn hoá địa phương, chúng ta tự hào vì đã xây dựng và hình thành được một cốt cách, truyền thống tốt đẹp. Đó là những tinh hoa cần được chắt lọc, kế thừa. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy được những hạn chế do điều kiện lịch sử và do ý thức hệ phong kiến mà biểu hiện của nó vẫn còn đậm nét trong các tập tục cưới xin, ma chay, đình đám và tín ngưỡng. Vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ càng để đề ra được các chủ trương và biện pháp thích hợp với yêu cầu xây dựng văn hoá mới, con người mới xã hội chủ nghĩa.
Truyền thống yêu nước và ý chí quật cường bất khuất chống giặc ngoại xâm là những giá trị tinh thần quý giá, không phải bất cứ địa phương nào cũng có. Người Thuỷ Nguyên không chỉ tự hào về những thành tựu trong lao động xây dựng quê hương mà còn kiêu hãnh bởi những đóng góp lớn lao của bao thế hệ với sự nghiệp dựng nước và giữ nước dài lâu “đẫm mồ hôi và máu” của dân tộc. Qua bao chặng đường lịch sử, sự hưng thịnh của địa phương gắn rất chặt với sự tồn vong của đất nước, bởi nơi đây núi sông hiểm trở, con người “cường ngạnh” đẫ từ lâu thực sự trở thành “phên giậu lớn” che chắn phía đông Tổ quốc.
Không phải đợi đến trận Bạch Đằng đập tan mộng xâm lăng của giặc Nguyên Mông người Thuỷ Nguyên mới có dịp thử thách, bày tỏ lòng trung thành với đất và những võ công hiển hách của mình. Những Vũ Hồng, Vũ Thị Lê Hoa chống giặc Ân khi nhà nước Văn Lanh mới tạo dựng từ trong lịch sử xa mờ; những Phạm Hoằng, Cao Thế, Nguyễ Cư, Nguyễn Thiện, Mai Đình Nghiêm, Trần Độ, Lê Ngã, Trần Cao, Đốc Tít…và biết bao anh hùng vô danh khác đã nêu cao tấm gương trung liệt để muôn đời noi theo. Không phải ngẫu nhiên phần nhiều các anh hùng có công với nước đã trở thành THÀNH HOÀNG ở các làng xã, từ lâu trở thành nguồn sức mạnh tâm linh. Cũng không phải ngẫu nhiên các cuộc vui lễ hội ở Thuỷ Nguyên như bơi trải, đánh vật, đánh đu…đều có ý thức biểu dương tinh thần thượng võ. Phải sống hết mình trong dòng lịch sử chảy cuồn cuộn với ý thức công dân cao độ, những người dân nơi đây mới có được truyền thống quý giá vững bền ấy.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Thuỷ Nguyên thực sự trở thành một đầu mối truyền bá và chủ trương cơ sở hoạt động của cách mạng. Nhiều tài liệu sách báo bí mật đã được thủy thủ đưa từ Pháp và Trung Quốc về lưu hành trong huyện. Đi từ các tổ chức nông hội đỏ, Thanh niên phản đế, mùa xuân 1940 chi bộ đảng được thành lập ở Dưỡng Động. Bước vào cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp, nhân dân Thuỷ Nguyên đã lập nhiều chiến công hiển hách. Bằng chiến dịch 25- 10- 1948, người dân Thuỷ Nguyên đã đứng lên phá hàng trăm cuộc càn quét của giặc, bẻ gãy nhiều cuộc tấn công có quy mô lớn của chúng. Trong thời gian 300 ngày tập kết, Đảng bộ và nhân dân Thuỷ Nguyên lại tiếp tục cuộc đấu tranh với địch trên nhiều lĩnh vực để bảo vệ thành quả của 9 năm kháng chiến anh dũng.
Sau 10 năm xây dưng hoà bình, tháng 8- 1965, bom đạn của đế quốc Mỹ đã trút xuống Thuỷ Nguyên, Khắp một vùng từ Lâm Động, Hoàng Động, Tân Dương đến cầu Đá Bạc, Cầu Giá, bến Kiền, bến Bính…trở thành mục tiêu của kẻ thù. Nhưng vùng đất này đã kiên cường chống trả quyết liệt, bắt sống giặc lái, hạ nhiều máy bay địch. Nhiều tấm gương tiêu biểu đã được Quốc hội và Nhà nước tặng thưởng huân chương. Đơn vị nữ dân quân Bạch Đằng, đội phá bom nổ chậm Lê Lợi, xã Phục Lễ anh hùng và các anh hùng quân đội Nguyễn Huy Hồng, Đinh Văn Rì, Lương Văn Mướt…là những tấm gương sáng của Thuỷ Nguyên.