image banner
TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Lễ tế dâng trâu tại các xã Phả Lễ, Lập Lễ nét độc đáo của lễ hội xuân ở Thủy Nguyên

Lễ tế dâng trâu tại các xã Phả Lễ, Lập Lễ nét độc đáo của lễ hội xuân ở Thủy Nguyên

Tổng Phục Lễ xưa gồm 07 xã, đó là các xã Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ, Do Lễ, Do Nghi, Đoan Lễ, Đình Vũ. Sau năm 1917, xã Đình Vũ được tách sang huyện An Hải nên còn 06 xã. Nói đến tổng Phục Lễ, đặc biệt là những ngày đầu xuân chúng ta không thể không nhắc tới loại hình trình diễn dân gian Hát Đúm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể quốc gia trong năm 2018. Nhưng ít người biết được, trong nghi lễ của các xã Phả Lễ, Lập Lễ (xưa là cùng một xã, năm 1888 tách điền thổ để thành lập xã Lập Lễ) có một nghi lễ rất đặc trưng đó là lễ tế dâng trâu (người dân quen gọi là lễ tế Trâu) rất riêng biệt và không làng nào trên địa bàn huyện có nghi lễ trên. Đây chính là điểm đặc trưng của cư dân vùng biển, mang đậm nét “Chất văn hóa biển” của người dân Thủy Nguyên.

Theo bản khai thần tích, thần sắc của các làng Phả Lễ, Lập Lễ (năm 1938) có khai lại rằng: “Ngày 04 tháng giêng hàng năm, làng  tế 01 con trâu, 04 chai rượu, 02 cân xôi, các đồ lễ ấy phải do các Giáp biện lễ bằng tiền công ích ở các giáp. Tế lễ xong thì biếu hành văn, đại bái rồi chia về các giáp. Ban nhất quan hưu trí và tại chức, ban nhì là văn bằng có công với làng, ban ba là hương chức, kỳ cựu mua bán trong làng. Trước ngày lễ và trong khi hành lễ, những người được dự lễ phải chay, tắm gội. Giai tân, gái tân, người có tuổi và vợ chồng song toàn không được dự lễ”.

Trải qua thời gian, nhiều kiến trúc tín ngưỡng như đình Phả Lễ bị hủy hoại chính vì vậy, nghi lễ tế trâu tại xã Phả Lễ đã bị mai một và không được tổ chức. Duy chỉ còn xã Lập Lễ vẫn còn giữ được nét văn hóa đặc sắc này.

Xưa việc biện 01 con trâu để tế thần được giao cho các giáp luân phiên (xã có 4 giáp), Trâu tế được chăm sóc cẩn thận trước khi tế thần. Nhưng nay, do điều kiện kinh tế phát triển, việc nuôi trâu tại địa phương hầu như không còn tồn tại, nên Lễ tế dâng Trâu gồm các bước:

Trâu được nhân dân mua về trước từ một đến hai tuần, phần nhiều được mua tại khu vực vùng núi. Trước khi tế lễ, Trâu được tắm rửa và mặc điều đỏ, sau đó Trâu được dẫn vào nơi tế, chủ tế thắp hương xin phép thành hoàng và tiến hành dâng trâu. Trước kia trâu được thịt tại khuôn viên đình làng nhưng để đảm bảo không ảnh hưởng đến người dân và vệ sinh môi trường, Trâu tế được thịt tại Nhà văn hóa thôn. Thủ, đuôi, tiết trâu (tươi) được dâng lễ vật lên Thành hoàng làng để cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, nhân dân làm ăn ngày cảng phát triển. Nghi lễ có tế nam quan và tế nữ quan. Sau khi các nghi thức tế lễ xong, chủ tế báo cáo hoàn thành và theo lệ cũ, thịt trâu được phân chia điều cho 04 thôn.

Tại sao chỉ có xã Phả Lễ, Lập Lễ lại có lễ Tế Trâu và các nơi khác trong huyện không có, điều này cũng thật dễ hiểu vì.

 Thứ nhất, nghi lễ Tế Trâu gắn với cư dân biển, “văn hóa biển”, cụ thể gắn với việc khai thác, nuôi trồng thủy hải sản tại các xã Phả Lễ, Lập Lễ

 Khi nhắc đến con Trâu chúng ta thường nghĩ đến biểu tượng của nông nghiệp lúa nước với các câu ca dao như: “con trâu là đầu cơ nghiệp”, “Chồng cày, vợ cấy, con Trâu đi bừa”... nhưng đó là con Trâu trong sản xuất nông nghiệp  nhưng đối với lễ Tế Trâu thì gắn với cư dân vùng biển. Trên địa bàn Hải Phòng cũng có lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn đã được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia, theo sách Đại Nam nhất thống chí thì: “Ở chân núi Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, có đền thờ Thủy Thần. Tương truyền có người bán thổ đi qua, thấy hai con trâu chọi nhau dưới đền, nên hàng năm đến ngày 9 tháng 8, có tục chọi trâu để tế thần”, hay gắn với huyền thoại về một cô thôn nữ xinh đẹp tên là Đế, do có thai với vua Thủy Tề, bị dân làng phạt vạ, quan lại địa phương mang cô ra biển dìm. Cô gái oan ức, hiển linh, nhân dân địa phương lập đề thờ, tên gọi đền Bà Đế. Nơi bà chết, tôm cá kéo đến tập trung, năm này qua năm khác, các vạn chài kéo đến đánh cá. Về sau, nhân dân địa phương tổ chức Lễ hội chọi Trâu, những con trâu thắng mang ra biển cúng tế Bà Chúa...

Theo các nhà nghiên cứu, con trâu tượng trưng cho thủy triều và việc hai con Trâu chọi nhau tượng trưng cho sự lên xuống của thủy triều. Với sự mong muốn mưa thuận, gió hòa, một mùa biển thành công, các cư dân vùng ven biển Hải Phòng có các nghi thức tế lễ liên quan đến con Trâu cũng từ ý nghĩa đó.

Thật vậy, với địa hình gần sông ngòi như sông Bạch Đằng, sông Cấm, sông Ruột Lợn, đầm 3 xã... khi chưa quai đê, đắp cừ đồng ruộng thường xuyên nhiễm mặn, phèn nên từ xa xưa, việc khai thác hải sản là kế sinh nhai chủ yếu của cư dân vùng Phả, Lập và chính nghề sông nước đã là yếu tố chủ yếu để sản sinh nhiều di sản văn hóa đặc sắc cũng như các nghi lễ liên quan đến “yếu tố thủy”. Ngày nay, các xã Phả Lễ, Lập Lễ vẫn duy trì được nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. Nhắc đến Phả Lễ, Lập Lễ là nhắc đến những ngư dân bám biển, những con tàu công suất lớn đánh cá xa bờ trên các vùng biển chủ quyền quốc gia của đất nước; là nghề đóng, sửa chữa tàu đánh giá, những khu hải sản...

Việc tổ chức lễ tế Trâu là niềm mong mỏi của cư dân biển vùng Phả, Lập mong muốn thành hoàng phù hộ, độ trì cho nhân dân một năm bình an và có những chuyến đi biển thành công.

Thứ hai, nghi lễ Tế Trâu gắn với tục “hèm” của các vị thành hoàng

Theo thần tích làng Phả Lễ, Trần Hộ - Trần Độ là hai anh em sinh đôi trong một gia đình có nền nếp. Được cha mẹ cho ăn học, cả hai anh em đều chịu khó học hành và luyện tập võ nghệ nên chẳng bao lâu hai người đều văn võ toàn tài và được làm quan ở đời nhà Trần. Khi giặc Nguyên vào xâm lược nước ta lần thứ ba (1288) anh em Trần Hộ và Trần Độ đã đi tuyển mộ quân lính giúp sức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Cả hai đều tham dự vào trận phục kích tại sông Bạch Đằng và góp phần đánh tan quân giặc. Sau chiến thắng, ông về vùng Phả Lễ và giết Trâu khao quân và nhân dân. Khi hai anh em mất, nhân dân Phục Lễ, Phả Lễ, sau này là Lập Lễ đã lập đền thờ, suy tôn làm phúc thần để tưởng nhớ công đức. Nghi Lễ Tế Trâu cũng xuất phát từ yếu tố “hèm” liên quan đến thành tích của nhị vị thành hoàng Phả Lễ, Lập Lễ.

Cũng như nguồn gốc của lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn, nhân dân trong vùng còn lưu truyền sự tích về người hùng áo vải Quận He Nguyễn Hữu Cầu người làng Lôi Động, xã Tân An, huyện Thanh Hà, vì cuộc sống ấm no của người dân vạn chài đã phất cờ chống lại phong kiến thối nát tàn bạo thời kỳ 1741 – 1751. Tưởng nhớ công đức người, hàng năm nhân dân Đồ Sơn mở hội chọi Trâu, múa cờ. Cũng có tài liệu cho rằng: "Mỗi khi đánh trận thắng ông thường mổ trâu khao quân. Những con trâu chọi mổ bụng dứt dây lao ra, chọi nhau quyết liệt. Quân sĩ thấy thế hứng khởi reo hò vang dội. Kể từ đó, hàng năm, Nguyễn Hữu Cầu mở hội chọi trâu để cổ vũ động viên tinh thần quân sĩ"./.

Nguyễn Tất Thắng

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0