Sáng 16/4, tức mùng 8 tháng 3 năm Giáp Thìn, UBND xã Thủy Đường long trọng khai mạc Lễ hội Kỳ Phúc truyền thống miếu Thủy Tú năm 2024. Dự lễ khai mạc có đại diện lãnh đạo một số ban ngành của huyện, lãnh đạo Đảng ủy-HĐND-UBND, UBMTTQVN xã, các ban, ngành, đoàn thể xã Thủy Đường cùng đông đảo dân làng Thủy Tú.
Các đại biểu cùng dân làng dự khai mạc lễ hội
Trước khi diễn ra lễ khai mạc, Ban Tổ chức lễ hội đã tổ chức lễ rước chân linh bản Thổ Thủy Thần về tại miếu Thủy Đường để cùng dự lễ hội Kỳ Phúc. Lễ hội cũng là dịp thực hành lễ nghi tưởng niệm của dân làng cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, muôn dân trăm họ yên vui hạnh phúc. Đây là hoạt động có ý nghĩa to lớn mang bản sắc cội nguồn "ăn quả nhớ người trồng cây" góp phần làm trong sáng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của làng xã Việt Nam.
Đồng chí Lê Văn Huy, Chủ tịch UBND xã đã đọc diễn văn khai hội
Tại Lễ hội, đồng chí Lê Văn Huy, Chủ tịch UBND xã đã đọc diễn văn ôn lại truyền thống lịch sử của miến Thủy Tú và lễ hội Kỳ Phúc. Theo Ngọc phả, Bia ký còn lưu lại tại miếu làng: Cách đây hơn 1 nghìn năm vào thời Tiền Lê, thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên năm 981, Thủy Đường Trang có 4 vị hiền tài họ Phạm được thập đạo Tướng quân Lê Hoàn ngôi vua niên hiệu Lê Đại Hành triệu tập, trọng dụng phong chức, trao quyền cầm quân đánh giặc Tống trên sông Bạch Đằng và trở thành tướng tài của triều đình nhà Lê. Sau chiến thắng Bạch Đằng lịch sử, tứ vị hiền tài họ Phạm của Thủy Đường Trang đều được vua Lê Đại Hành ban thưởng, sắc phong Đại Tướng quân, Trung Hoa tể tướng, Sơn Nam thái thú, Mẫu Nghi thiên hạ, trong đó làng Thủy Tú được tôn ấp, lập thờ vị “Đệ nhất Đại Tướng quân”, người anh cả. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và phong sương vũ lộ của thời tiết, miếu Thủy Tú đã được tôn tạo khang trang, bề thế và được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc Gia. Hàng năm, cứ vào các ngày mồng 8, 9,10 tháng 3 âm lịch dân làng Thủy Tú tổ chức lễ hội truyền thống để đến đáp công ơn của “Đệ nhất Đại tướng quân”, với phần lễ trang trọng và phần hội phong phú, lành mạnh, mang đậm chất văn hóa của người Việt.
Các đại biểu dâng hương tại Lễ hội
Ngay sau lễ khai hội, các đại biểu cùng Nhân dân trong làng đã dâng hương kính lễ và tổ chức các hoạt động lễ hội theo truyền thống. Đây là dịp giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ người dân, cũng là dịp thể hiện lòng thành kính và đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong cội nguồn văn hóa Việt nam để đời đời ghi nhớ công ơn vị anh hùng đã có công đánh giặc giữ nước./.