image banner
TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Khu Di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố Hang Bờ Hồ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng

Khu Di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố Hang Bờ Hồ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng

Núi Hang Bờ Hồ là quả núi đá vôi thiên tạo, đứng độc lập giữa cánh đồng, thuộc thôn 8, làng văn hóa Thiểm khê, xã Liên Khê. Lòng núi có hang động khá lớn. Núi Hang Bờ Hồ nằm gần núi Hang Cặp Kẹ về phía Đông, cách nhau bởi một mảnh ruộng nhỏ chỉ khoảng vài chục mét. Núi có độ cao khoảng trên 50m so với mực nước biển. Ở các phía: Đông, Tây và Bắc giáp cánh đồng; phía Tây Nam trước đây giáp hồ nước lớn, nay hồ đã bị san lấp phần lớn để lập vườn, dựng nhà và tạo một con đường liên thôn (đường Quỳ Khê) gần chân núi. Chính vì có hồ nước lớn nằm sát chân núi nên từ xưa nhân dân quen gọi là núi Hang Bờ Hồ.


Toàn cảnh núi Bờ Hồ

Lòng núi có hang động khá lớn, đủ sức chứa 01 Trung đội  và khí tài, quân dụng, gồm một hang chính và hai hang phụ. Hang được kết cấu 1 tầng; kích thước cửa chính rộng 4m; cao 2.5m; chiều dài hang: 85m từ cửa chính đến cửa phụ; chiều rộng hang: rộng nhất 9m, hẹp nhất 4m, trung bình 6.5m; chiều cao hang: cao nhất 15m, thấp nhất 7m, trung bình 11m; chiều sâu hang: từ trần xuống mặt đất tự nhiên, sâu nhất 40m, nông nhất 27m, trung bình 33m; số hướng ngách: có 1 ngách dài 15m, rộng 5m, cao 7m từ cửa chính đi vào nằm bên trái cách cửa hang 50m, ngách cụt. Ngách thứ hai dài 25m; cao 7m; từ cửa chính đi vào nằm chếch bên phải cách cửa hang chính khoảng 50m, thông ra cửa phụ.


Hang Bờ Hồ

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vào ngày 24, 25 và 26/1/1949 (tức ngày 26, 27 và 28 tháng Chạp năm Mậu Tý), tại núi hang Bờ Hồ, thực dân Pháp đã gây ra vụ thảm sát kinh hoàng giết chết 72 người con của xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Họ phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em đã bị giết chết thê thảm, duy nhất một em bé lên 8 tuổi là Mạc Đăng Sú may mắn sống sót. Ông Mạc Đăng Sú năm nay đã 78 tuổi và cũng là nhân chứng sống duy nhất hiện đang sinh sống tại địa phương.

Cụ thể: Theo Lịch sử Đảng bộ xã Liên Khê, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954), vào giữa năm 1948, phong trào kháng chiến ở Lưu Kiếm (gồm xã Lưu Kiếm và Liên Khê ngày nay) khá vững và đều khắp. Nhiều thanh niên, dân quân du kích gia nhập Đại đội Lê Lợi. Phong trào du kích của xã cũng hoạt động khá mạnh. Nhân dân tích cực đào hầm nuôi giấu cán bộ và cất giấu thóc lúa, của cải. Thủy Nguyên tặng cờ có ghi dòng chữ "Chi bộ khá nhất vùng địch hậu".

Sau thắng lợi của đợt "Tổng phá tề, trừ gian, tiến công đồn giặc” trong tháng 10/1948, giặc Pháp càn quét vào xã Lưu Kiếm nhiều lần, giết hại nhiều dân thường, đốt cháy hàng chục ngôi nhà. Tại thôn Mai Động, có gia đình bị giặc sát hại 4 người, chỉ còn một người sống sót. Cuối năm 1948, để tránh các cuộc càn quét của giặc, nhân dân các làng Thiểm Khê, Thụ Khê, Mai Động, Trúc Động … đã tản cư vào các hang đá Cửa Chậu, cống Đá, Bờ Hồ, Cập Kẹ, Đồng Chũ, Đồng Thống, Rãm Bò, Hang Trê, Chùa Xối... Họ mang theo thóc, gạo và đồ dùng cần thiết để ăn ở, sinh hoạt trong hang.

Sáng ngày 24/01/1949 (tức ngày 26 tháng Chạp năm Mậu Tý), như thường lệ, tiểu đội du kích của ta hoạt động ở khu vực chợ Tổng phát hiện thấy địch tập trung rất đông lực lượng để chuẩn bị mở cuộc càn quét. Quân số của địch huy động trong cuộc càn quét lần này có khoảng 400 tên, chủ yếu là lính Âu - Phi. Chúng chia thành nhiều mũi tiến vào làng, vừa lùng sục, vừa sẵn sàng nổ súng gây tội ác. Lực lượng du kích của ta tổ chức đánh trả, diệt và làm bị thương 7 tên địch. Bọn địch đã giết hại một số dân thường và đốt cháy nhiều ngôi nhà. Không thể đương đầu với một lực lượng quá mạnh của địch, nhiều cán bộ, du kích và đồng bào ra rút xuống hầm bí mật. Tiểu đội du kích do đồng chí Nguyễn Công Thi chỉ huy, rút vào núi đá Bờ Hồ, nơi có nhiều bà con đang ẩn nấp trước đó. Từ trên các điểm cao, quân giặc dùng ống nhòm, phát hiện trên đồng trống hướng di chuyển của du kích. Chúng lập tức tập trung quân bao vây toàn bộ khu vực từ núi đá Bờ Hồ, hang Cập Kẹ đến hang Đồng Thống.

Khoảng 10 giờ sáng cùng ngày, tại núi đá Bờ Hồ, cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch đã diễn ra. Tiểu đội du kích của ta có 12 đồng chí, nhưng chỉ có khoảng một nửa số anh em được trang bị vũ khí, gồm súng Mút- cơ - tông và súng trường Bi, loại vũ khí đã cũ kỹ và lạc hậu. Quân giặc có hàng trăm tên, được trang bị vũ khí hiện đại, đang khép kín vòng vây xung quanh núi đá.

Từ các vị trí trên núi, du kích bình tĩnh nổ súng vào những tên địch đang tới gần. Do súng đã cũ, có lần đạn không nổ, du kích chỉ tiêu diệt tại chỗ một tên giặc và làm hai tên khác bị thương, khiến bọn địch hoảng sợ trong chốc lát, nhưng không thể ngăn cản được sự điên cuồng của chúng.

Địch tập trung hỏa lực bắn vào núi đá. Nhiều binh lính địch tìm cách trèo lên núi, ném lựu đạn và mìn cháy vào các hang đá, khe đá nghi có người ẩn nấp. Các đồng chí Lê Văn Lưu, Trần Văn Cống, Đoàn Thị Đầm hy sinh, đồng chí Trần Văn Hấn bị thương và bị địch bắt. Cuộc chiến đấu giữa du kích và quân Pháp diễn ra trong thời gian ngắn. Quân giặc đã phát hiện rất nhiều người dân đang ẩn nấp trong hang núi. Giặc Pháp vẫn thẳng tay bắn giết những người dân vô tội trong tay không có vũ khí. Chúng tràn vào Hố Cả, một hang đá lớn có hàng chục đồng bào ta đang ẩn nấp. Giặc Pháp bắt họ thu rơm rạ ngoài đồng, vào xóm gần đó rỡ nhà dân, lấy củi gỗ mang về chất xung quanh một số ngách hang nghi có người ẩn nấp rồi hun đốt tiếp. Nhiều người bị chết vì đạn bắn thẳng của địch. Có người bị chết cháy vì ngọn lửa do địch gây nên. Rơm rạ dùng để trải chỗ nằm, nhiều thóc lúa đang cất giấu trong hang, gặp mìn cháy của địch dễ dàng bắt lửa, tạo nên sức nóng khủng khiếp, khiến nhiều người buộc phải rời khỏi chỗ ẩn nấp và lọt vào tay địch.

Cuộc thảm sát dã man của giặc diễn ra từ trưa ngày 24/1/1949 (tức ngày 26 tháng Chạp năm Mậu Tý) kéo dài đến chiều hôm đó. Hàng chục đồng bào ta bị giặc Pháp bắn chết hoặc cắt cổ, thân xác nằm xung quanh Bờ Hồ gần chân núi. Ban đêm, địch tiếp tục bao vây khu núi đá.

Ngay hôm sau, 25/01/1949, (tức ngày 27 tháng Chạp năm Mậu Tý), ca nô giặc từ sông Đá Bạc đổ thêm quân tiếp viện. Chúng tiếp tục bao vây, đốt hang và phục bắt những người còn sống sót từ trong núi thoát ra. Đêm 25/01/1949, mặc dù địch vẫn đang bao vây, nhưng một số người ẩn nấp trong núi tìm cách thoát khỏi vòng vây của địch. Đồng chí Đoàn Hữu Nguyện, nguyên Bí thư Chi bộ Đảng Vũ Hồng Thạch đã nhận Quyết định của cấp trên điều về huyện Yên Hưng công tác, nhưng bị mắc lại vì trận càn của Địch. Từ núi đá Bờ Hồ, lợi dụng màn đêm, đồng chí bí mật rời sang hang Thung gặp đồng chí Nguyễn Công Phiên bà Nguyễn Văn Trình bàn các biện pháp đối phó với âm mưu của địch.

Ngày 26/1/1949, cuộc càn quét của địch đã kéo dài sang ngày thứ 3. Dường như cảm thấy đạt được mục tiêu đề ra, khoảng 4 giờ chiều, quân địch bắt đầu rút lui, nhưng ở núi Ngã Ba, một toán địch vẫn còn nán lại nằm chờ phục kích.Thấy tình hình đã yên, một số đồng bào ta ẩn nấp ở hang Cống Đá tìm cách trở về làng, bị bọn địch phục kích ở núi Ngã Ba phát hiện và nổ súng làm ba người bị chết trên cánh đồng Thá Ngang.

Sau khi toàn bộ quân địch rút hết, ngay trong đêm 26 và 27/01/1949, Nhân dân các thôn tập trung tìm kiếm, nhận dạng thân xác người thân bị giặc giết hại và khâm liệm, chôn cất cho những người đã chết. Như vậy, trong 3 ngày càn quét, giặc Pháp đã sát hại 72 người. Từ đó trở đi, ngày 26 tháng Chạp âm lịch hằng năm trở thành ngày giỗ trận chung của cả làng, để tưởng nhớ những người đã khuất và ghi sâu tội ác do giặc Pháp gây nên.


Bia Căm thù tại Hang Bờ Hồ

Núi Hang Bờ Hồ còn là nơi đóng quân của bộ đội kỹ thuật Hải Quân và là nơi cất giữ khí tài, quân trang, quân dụng của bộ đội ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ, giai đoạn 1968 - 1972. Năm 1986, để khắc cốt ghi xương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã đã xây dựng tấm bia ghi tội ác của đế quốc Pháp ngay tại chân núi này, đồng thời là để giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm cho thế hệ trẻ. Bia xây hình trụ, bằng vật liệu gạch, cát, xi măng, cao khoảng 3m đã bị bào mòn, rêu phong phủ kín quá nửa. Trên mặt trụ hướng ra con đường dân sinh được khắc dòng chữ: “Tại nơi đây đã xảy ra cuộc tàn sát dã man. Bọn đế quốc Pháp trong ba ngày 26, 27 và 28 tháng Chạp, năm 1948 đã giết hại 72 người dân. Tội ác của chúng nhân dân ta khắc sâu đời đời”.

Với những giá trị to lớn đó, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 2425/QĐ-UBND ngày 09/10/2019 về việc xếp hạng Di tích lịch sử- Khu di tích lịch sử kháng chiến Hang Bờ Hồ.

Phòng VH&TT

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0