Di tích Từ đường họ Nguyễn Công xã Phù Ninh
Ngày 15/8/2018, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 1292/QĐ-UBND công nhận Từ đường họ Nguyễn Công, thôn Phù Lưu, xã Phù Ninh, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng là di tích lịch sử cấp thành phố. Đây là công trình tín ngưỡng thờ cúng gia tiên, tiền tổ của dòng họ, đồng thời cũng là không gian để con cháu trong dòng tộc tổ chức sinh hoạt văn hóa, tổ chức lễ giỗ Tổ hằng năm.
Căn cứ 02 bia đá còn bảo lưu tại Từ đường: Lăng mộ bi ký được lập vào niên hiệu Minh Mệnh thứ 8 (1827) và bia đá Tiên Tổ bi ký lập niên hiệu Minh Mệnh thứ 12 (1831) thì dòng họ Nguyễn Công đã có lịch sử lâu đời, muộn nhất từ thời Hậu Lê (cách ngày nay khoảng 500 năm). Bia ký còn ghi chép được về các vị Thượng cao cao Tổ Nguyễn quý công, tự Chân Lạc; Nguyễn quý công, tự Lạc Đạo; Nguyễn quý công tự Ám Sơn. Đặc biệt hơn, họ Nguyễn Công có nhiều cụ Tổ làm quan lớn trong triều đại phong kiến Việt Nam như Tiền Lê triều Cẩm y vệ, Đô chỉ huy sứ, Thự vệ sự Vệ Xuyên Hầu Nguyễn tướng công; Tiền Lê triều Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Cẩm y vệ, Quan viên tử, kiêm hành Cai huyện (được phong tước Tử) Ân Vinh Hầu Nguyễn tướng công; Tiền Lê triều Cẩm y vệ, Đô chỉ huy sứ, Đồng tri Tuấn Nghĩa Hầu tướng công, thuỵ Dũng Địch.Tiền Mạc triều hưng quốc, Thự vệ sự, Đô chỉ huy sứ ty, Đô chỉ huy Đô đốc Lộc Quận Công Nguyễn tướng công.
Trong đó cụ Đô đốc Lộc Quận Công có công cho mở mang làng xóm, khai phá đất hoang, vận động Nhân dân trong vùng nạo vét, khơi thông dòng chảy sông Hòn Ngọc để phục vụ giao thương và sản xuất. Nhân dân trong vùng đời đời nhớ ơn ông, đặt tên sông, tên núi là Thượng Quận (tức là Thượng tướng quân, Lộc Quận công). Thời kỳ nhà Mạc, ông được vua Mạc giao trọng trách dẹp loạn ở trấn Kinh Bắc và đã anh dũng hy sinh nên được dân làng Xuân Đán (nay là xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) tôn thờ là thành hoàng làng.
Bia đá lưu giữ tại Từ đường
Từ đường họ Nguyễn Công, thôn Phù Lưu, xã Phù Ninh, huyện Thuỷ Nguyên được khởi dựng từ lâu đời. Bia “Tiên tổ bi ký” lập niên hiệu Minh Mệnh thứ 20 (1839) ngày lành, tháng Quý Đông (tháng 12) toàn thể gia tộc họ Nguyễn xây dựng từ đường. Theo nội dung bia ký thì từ đường của dòng họ được dựng vào thời Nguyễn Minh Mệnh (đầu thế kỷ XIX). Kiến trúc từ đường xưa được làm bằng gỗ lim; bình đồ kiến trúc dạng thức chữ Nhị (二), bao gồm 3 gian Tiền Tế và 3 gian Hậu Cung.
Trải qua thời gian lịch sử đến năm 1947, từ đường họ Nguyễn Công bị Thực dân Pháp đốt phá. Năm 1979 được tôn tạo trên nền cũ; năm 1986 và năm 2000 được dòng họ trùng tu, tôn tạo khang trang, tố hảo như hiện nay. Kiến trúc từ đường có bố cục mặt bằng theo dạng thức chữ Đinh, bao gồm: Toà Tiền Tế 3 gian, Hậu Cung 1 gian. Hệ khung chịu lực toà Tiền Tế được làm bằng gỗ lim, liên kết kiến trúc có 4 bộ vì, chia tòa công trình thành 3 gian. Hệ vì được thiết kế theo kiểu “Kèo suốt quá giang”, toàn bộ hệ thống vì được thiết kế trốn hàng chân cột, thay vào đó là bít đốc trực tiếp vào tường. Cách thức này đã góp phần làm cho không gian nội thất tòa Tiền Tế thêm rộng thoáng, mở rộng không gian để thực hiện các hoạt động lễ nghi và đặt các đồ thờ tự, tế tự.
Từ đường họ Nguyễn Công
Nối với toà Tiền Tế ở vị trí gian chính giữa là tòa Hậu Cung để tạo thành kiến trúc từ đường theo cách thức chữ Đinh truyền thống. Toà Hậu Cung 1 gian được thiết kế xây kiểu tường hồi bít đốc. Không gian toà công trình là vị trí đặt khám thờ và bài vị 3 vị Tổ khai sáng dòng họ, đồng thời đặt thần tượng cụ Tổ Đô đốc Lộc Quận công Nguyễn tướng công. Nhìn tổng thể, kiến trúc từ đường họ Nguyễn Công còn khiêm nhường, song cơ bản vẫn đáp ứng được chức năng kiến trúc của công trình nhà thờ Tổ. Hoa văn trang trí rồng phượng, hoa lá thiêng trên hệ mái ừ đường cùng hệ khung chịu lực vì kèo theo thức kiến trúc truyền thống, đấu kê chạm hoa sen.. đã làm tăng thêm vẻ linh thiêng, cổ kính.
Trải qua thời gian lịch sử, từ đường họ Nguyễn Công còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật góp phần minh chứng cho giá trị lịch sử, văn hoá, nguồn gốc và công trạng của các cụ Tổ dòng họ như bia đá: Lăng mộ bi ký, bia dẹt, diềm bia để trơn không trang trí hoa văn, lòng bia khắc chữ hai mặt, mặt trước khắc 3 dòng chữ Hán Nôm ghi tên, công trạng, chức tước của 3 vị Tổ; mặt sau ghi niên đại lập bia. Bia được làm niên hiệu Minh Mệnh thứ 8 (1827); bia đá: Tiên Tổ bia ký, bia dẹt, diềm bia để trơn, trán bia trang trí hoa văn lá cách điệu rồng chầu mặt nguyệt, lòng bia khắc chữ Hán Nôm hai mặt, nội dung ghi về việc toàn tộc họ Nguyễn xây dựng từ đường, trong đó có khắc tính danh, chức tước, ngày giỗ của các cụ Tổ và gia tiên trong dòng họ. Bia được làm niên hiệu Minh Mệnh thứ 20 (1839); và bát hương bằng chất liệu sành, hoa văn men trắng vẽ lam lưỡng long chầu mặt nguyệt có niên đại cuối thế kỷ XIX.
Lễ giỗ Tổ vào ngày 12 tháng 10 âm lịch. Lễ giỗ được tổ chức trong 1 ngày, nghi thức, nghi lễ do đội tế nam quan của dòng họ đảm nhiệm. Lễ phẩm dâng Tổ là những vật phẩm quen thuộc như: Thủ lợn, gà, xôi, hương hoa, quả, trầu, rượu...Bên cạnh các hoạt động tế Tổ, dòng họ đã thành lập được quỹ khuyến học, phát phần thưởng cho các cháu đỗ đại học vào ngày giỗ Tổ; lễ mừng thọ cho các cụ trong dòng họ từ 70 tuổi trở lên và nhiều hoạt động thăm hỏi, nghĩa tình khác.
Phòng VH&TT