Đền Tam Thánh Xã Thiên Hương - Di tích lịch sử cấp thành phố
Ngày 09/12/2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 3734/QĐ-UBND công nhận đền Tam Thánh, xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên là di tích cấp thành phố.
Đền Tam Thánh được khởi dựng từ lâu đời. Di vật (tảng kê kiến trúc) cùng minh văn trên hệ thống đại tự tại đền cho phép xác định, muộn nhất vào năm Canh Thìn, niên hiệu Bảo Đại (1940) đền Tam Thánh đã trở thành công trình tín ngưỡng quan trọng của địa phương. Theo truyền ngôn địa phương, khoảng thời gian năm 1928, cụ bà Nguyễn Thị Lịch đã phát tâm xây dựng ngôi đền to hơn với bố cục chữ Đinh, gồm: 3 gian tiền đường và 1 gian hậu cung. Sau đó, cụ Khoá sinh Nguyễn Khắc Khoan (người Thanh Hà, Hải Dương) về đền tu tạo. Kiến trúc ngôi đền đương thời có phần hiên mang phong cách Tây phương hiện đại với các lối vào tạo kiểu vauban. Các năm 1978, 2013, đền tiếp tục được tu sửa nhỏ. Đến năm 2017, đền Tam Thánh tân tạo khang trang tố hảo như hiện nay.
Đền Tam Thánh hiện nay được tân tạo trên nền cũ. Di tích có hướng nhìn về chính Tây. Đền gồm hai đơn nguyên kiến trúc: Nghi môn được xây dựng theo kiểu nhất môn, kiến trúc chồng diêm nóc các. Đền thờ thánh là công trình chính, có kiến trúc kiểu thức dạng chữ Đinh truyền thống với 3 gian tiền đường và 2 gian hậu cung. Liên kết kiến trúc toà tiền đường là các bộ vì gỗ lim chắc, khoẻ. Vì nóc được thiết kế kiểu thức “chồng rường giá chiêng”, vì nách kiểu thức “chồng rường trụ trốn”, vì hiên “chồng rường trụ trốn”. Trang trí trên các cấu kiện kiến trúc là các đề tài quen thuộc, mang phong cách truyền thống của dân tộc như: Lá lật, đấu chạm cánh sen, văn triện đầu bẩy.
Toà hậu cung 2 gian. Liên kết kiến trúc gồm các hệ vì với vì nóc kiểu thức “biển thể giá chiêng”, vì nách “ván mê”. Trang trí hoa văn trên kiến trúc với các đề tài văn triện, lá lật được chạm bằng kĩ thuật chạm lộng, bong hình.
Nhìn tổng thể, kiến trúc đền Tam Thánh mới được tân tạo. Song với cách thức xây dựng theo thức cổ truyền mái ngói vẩy, trụ biểu hiên, trang trí đắp vẽ hoa văn rồng phượng trên hệ mái tiền đường đã góp phần làm cho ngôi đền mang dáng dấp truyền thống và linh thiêng.
Đền Tam Thánh
Đền Tam Thánh là công trình tâm linh, tín ngưỡng quan trọng của cộng đồng người dân địa phương. Đền hiện nay thờ các vị: Điều Ngự giác hoàng Trần Nhân Tông; Quan thánh đế quân; Vân Hương thánh mẫu - Liễu Hạnh. Bên cạnh đó, hệ thống thờ tự tại đền còn tôn thờ các vị thần khác như: Đức thánh Trần Hưng Đạo, Chử Đồng Tử tiên ông, công chúa thánh mẫu Tiên Dung, Lã Động Tân tiên ông...
Hiện nay, đền Tam Thánh còn bảo tồn được nhiều di vật, cổ vật, đồ thờ tự quý hiếm như: Cuốn thư có niên đại Bảo Đại (1940); Chuông đồng có niên đại năm 1932; Hoành phi có niên đại Bảo Đại (1944). Bên cạnh đó, đền Tam Thánh còn bảo lưu được hệ thống tượng thánh cổ cùng nhiều đồ thờ tự, hoành phi, câu đối có niên đại cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Hậu cung đền Tam Thánh
Dẫn theo các “Bản xác nhận sự kiến kháng chiến” của đền Tam Thánh đã được chứng thực của địa phương thì đền có những sự kiện lịch sử tiêu biểu: Thời kỳ chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược, từ năm 1947 đến năm 1952, đền là nơi Uỷ ban Cách mạng lâm thời địa phương hoạt động bí mật. Trong đó, cụ bà Nguyễn Thị Lịch (người địa phương, thủ nhang có công trùng tu tôn tạo đền) đã trực tiếp nấu cơm, đun nước phục vụ cán bộ cách mạng chống thực dân Pháp. Ông Nguyễn Bỉnh Dũng (cháu cụ Lịch) cũng tham gia phục vụ công việc cho cán bộ cách mạng địa phương in ấn giấy tờ, tài liệu, truyền đơn, khẩu hiệu, vận động nhân dân tham gia kháng chiến chống Pháp. Họp bàn kế hoạch quật tề phá bốt, đồng khởi ngày 25 tháng 10 Thuỷ Nguyên quật khởi thắng lợi.
Những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, đền là nơi đóng quân của Ban chỉ huy quân sự, sư đoàn 363 cùng các chuyên gia Liên Xô sang giúp ta tiêu diệt máy bay B52 của Mỹ. Đền cũng là nơi chứa khí tài phục vụ cho sư đoàn 363 đánh Mỹ phá hoại miền Bắc. Năm 1966 đến năm 1972, cửa hàng công nghệ phẩm, cửa hàng dược phẩm Thuỷ Nguyên và một lớp học cấp 1 của xã Thiên Hương sơ tán về đền Tam Thánh.
Hằng năm, đền Tam Thánh tổ chức sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng vào các dịp sự lệ các vị thần, thánh được phụng thờ trong di tích. Ngày 15 tháng Giêng (âm lịch), lệ đầu năm; Ngày 3 tháng 3, giỗ thánh mẫu Liễu Hạnh; Ngày 8 tháng 4, lệ vào hè; Ngày 20 tháng 8, giỗ cha - Đức thánh Trần Hưng Đạo; Ngày 15 tháng 12, tất niên.Trong đó, ngày 15 tháng Giêng là sự lễ lớn, được tổ chức từ 2 đến 3 ngày. Trong lễ có nghi thức, nghi lễ tế thánh do đoàn tế nam quan, nữ quan của làng tiến hành. Lễ vật dâng thánh có: Gà, xôi, trầu, rượu, hương, hoa quả...Diễn xướng văn nghệ có: Hát đầu đồng...
Phòng VH&TT